TÌM HIỂU NỢ, CHỦ NỢ,CON NỢ

Để xác định tư cách chủ nợ và con nợ trong một khoản nợ thì điều cốt yếu chúng ta cần dựa vào chính là “tính đích danh”. Tức là phải xác định trong từng khoản nợ cụ thể, bên có quyền chỉ có tư cách là chủ nợ trong quan hệ với chính bên có nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đó mà thôi. Sở dĩ phải xác định cụ thể như vậy vì trong thực tế một chủ thể có thể tham gia vào rất nhiều quan hệ, nhiều khoản nợ khác nhau và trong khoản nợ này thì họ có thể là chủ nợ nhưng trong một khoản nợ khác họ lại có thể là con nợ.

KHÁI NIỆM NỢ

Nợ là nghĩa vụ tài sản của một chủ thể này phải trả cho một chủ thể khác. Nợ có thể xuất hiện trong các quan hệ dân sự khác nhau như: quan hệ mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, quan hệ cho thuê tài sản, cho thuê tài chính…Quan hệ xã hội là những quan hệ giữa người với người được hình thành trong quá trình hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị, pháp luật, tư tưởng, đạo đức, văn hóa…

Nợ có thể phát sinh trong bất kỳ mối quan hệ xã hội nào, quan hệ xã hội càng phức tạp thì những nguồn gốc phát sinh nợ nần càng đa dạng, phức tạp. Có nhiều cách phân loại nợ, tùy thuộc vào tiêu chí, mục đích phân loại, có thể phân thành nợ thường (là những khoản nợ mà chủ thể có quyền đòi nợ có thể tự mình thu hồi nợ) và nợ xấu (là nợ mà chủ thể có quyền đòi nợ không thể tự mình thu hồi nợ vì nhiều lý do khách quan); hoặc có thể phân thành nợ trong dân sự và nợ trong kinh doanh; hoặc có thể phân thành nợ công và nợ dân doanh…

Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14/06/2007 của Chính phủ quy định chi tiết về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (sau đây gọi là Nghị định số 104/2007/NĐ-CP) thì “Nợ là nghĩa vụ của các tổ chức kinh tế, cá nhân này phải trả tài sản cho tổ chức kinh tế, cá nhân khác”. Nó không chỉ xuất hiện trong các quan hệ hợp đồng vay tài sản mà có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Các khoản nợ mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được phép tham gia cung cấp dịch vụ đòi nợ đó là các khoản nợ phát sinh từ các quan hệ xã hội khác nhau. Tuy nhiên, giới hạn của nó chính là nghĩa vụ giữa các tổ chức kinh tế, cá nhân chứ không phát sinh giữa các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, tổ chức chính trị – xã hội – nghề nghiệp với nhau hay giữa các tổ chức này với tổ chức kinh tế, cá nhân.

Nợ được xem là “tài sản” mà một tổ chức kinh tế, cá nhân phải trả cho một tổ chức kinh tế, cá nhân khác, và nó là một nghĩa vụ dân sự. Tài sản là một khái niệm cơ bản, quen thuộc với bất kỳ ai, nó là công cụ của đời sống con người. Điều 163 Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS năm 2005) quy định: “Tài sản bao gồm vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản”.

Tuy nhiên cách định nghĩa tài sản của BLDS năm 2005 hiện tại nhiều luật gia cho rằng đây là cách định nghĩa ra theo kiểu liệt kê các loại tài sản, chứ không xác định phạm vi dứt khoản của tài sản, các quy định tiếp đó tại “ Chương XI – Phân loại tài sản lại diễn giải cụ thể các loại tài sản được nêu ra trong giải nghĩa này không đề cập gì tới tiền và giấy tờ có giá.

Mặc khác tại Điều 173 và Điều 181 và toàn bộ các quy định của BLDS 2005 không diễn giải một cách có thể hiểu được phạm vi của quyền tài sản và quyền sở hữu được quy định dường như tách biệt với tài sản tại Điều 164 và Điều 174 BLDS 2005 dẫn đến khái niệm tài sản dường như không bao trùm hết quyền sở hữu trong khi vẫn quy định các vấn đề chuyển dịch tài sản gắn với quyền sở hữu tại rất nhiều các quy định.

Ngày nay, với sự xuất hiện của nhiều loại tài sản mới như chứng khoản, sở hữu trí tuệ thì việc định nghĩa tài sản, phân loại tài sản như thế nào cho phù hợp cũng là cơ sở để chúng ta xác định chính xác đối tượng của dịch vụ kinh doanh dịch vụ đòi nợ là những loại tài sản nào.

Trong giới hạn nghiên cứu, đề tài chỉ để cập đến khái niệm nợ theo quy định của pháp luật hiện hành, tức nợ là các nghĩa vụ về tài sản mà tổ chức kinh tế, cá nhân này phải trả cho tổ chức kinh tế, cá nhân khác mà thôi.

KHÁI NIỆM CHỦ NỢ

Gắn liền với tài sản là quyền sở hữu, do đó khi nói tới tài sản không thể không nói về quyền sở hữu. Quyền sở hữu là vật quyền thống trị và làm cơ sở cho việc phân chia và xác định các vật quyền khác mà các vật quyền này thường được gọi là các chi phần của quyền sở hữu. Khi một vật quyền được tạo lập thì lập tức xuất hiện hai loại quyền cùng tồn tại trên một vật – đó là quyền sở hữu của chủ sở hữu và quyền của người khác trên vật đó.

Khi phát sinh một khoản nợ sẽ xuất hiện quyền đòi nợ của chủ sở hữu, vật quyền được xác lập. Nếu chủ sở hữu chuyển giao quyền đòi nợ cho người khác làm phát sinh dịch quyền. Quyền đòi nợ bao gồm cả quyền trreen tài sản của mình và quyền trên tài sản của người khác.Do đó khái niệm chủ nợ cũng là một khái niệm khá rộng.

Ngoài ra, tư cách chủ nợ cũng có thể được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác bởi hành vi chuyển quyền thụ hưởng giá trị tài sản được xác định trong khoản nợ cho người thứ ba của chủ nợ. Khi đó, khoản nợ có được xác định là nợ với chủ nợ mới hay không, phụ thuộc vào tư cách chủ thể và tính chất của hợp đồng chuyển giao đó.

Ví dụ, nếu người nhận sự chuyển giao quyền thụ hưởng là chủ thể kinh doanh và sự chuyển quyền đó cũng xuất phát từ hoạt động kinh doanh thì đối với họ, khoản nợ đó cũng được coi là nợ trong kinh doanh (ví dụ: quyền thụ hưởng do thanh toán bù trừ trong kinh doanh).

Khái niệm chủ nợ cùng với hợp đồng vay tài sản là một trong những khái niệm pháp lý ra đời sớm nhất trước khi xuất hiện đồng tiền. Pháp luật dân sự La Mã đã có những điểm rất chi tiết về hợp đồng vay chủ nợ

Theo BLDS năm 2005 thì chủ nợ (người cho vay) là người có quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng vay tài sản. Trong hợp đồng này, chủ nợ là bên cho vay, là người có tiền hoặc tài sản chuyển cho bên kia vay. Khi hết hạn của hợp đồng, bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi như thỏa thuận. Nếu hợp đồng cho vay có áp dụng biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ nhưng bên vay không thực hiện đúng thời hạn thì bên cho vay có quyền xử lý tài sản để bảo đảm thực hiện đúng nghĩa vụ như thỏa thuận hoặc yêu cầu bán đấu giá để thực hiện nghĩa vụ.

Bên cho vay có nghĩa vụ giao tài sản đầy đủ, đúng số lượng, chất lượng, chủng loại như thỏa thuận cho bên vay. Nếu bên cho vay lừa dối bên vay, chuyển giao tài sản không đảm bảo chất lượng mà gây thiệt hại cho bên vay thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, định nghĩa này lại chỉ đề cập đến chủ nợ là một cá nhân mà quên mất rằng trong quan hệ nợ nần thì chủ nợ có thể là tổ chức, đây là một điểm thiếu sót rất lớn, bởi lẽ khi các quan hệ dân sự phát triển không ngừng thì tư cách chủ nợ trong quan hệ nợ cũng không ngừng biến đổi với nhiều dạng chủ thể khác nhau.

Mặt khác, món nợ mà định nghĩa trên nêu ra cũng khá hẹp, chỉ là “tiền” hoặc “hiện vật”, hẹp hơn rất nhiều so với quy định của BLDS năm 2005 về tài sản và khái niệm chủ nợ ở đây cũng chỉ bó hẹp trong quan hệ hợp đồng vay tài sản.

Với một cái nhìn khác hơn ở một góc độ rộng hơn, bao quát hơn, Nghị định số 104/2007/NĐ-CP định nghĩa: “Chủ nợ là tổ chức kinh tế, cá nhân có quyền đòi nợ”. Đây là một quy định mở và mang tính bao quát cao, chủ nợ không chỉ xuất hiện trong quan hệ vay tài sản mà có thể xuất hiện trong bất kỳ một giao dịch dân sự nào…

Chủ nợ không chỉ là những cá nhân, tổ chức kinh tế có quyền sở hữu đối với nợ mà cả những cá nhân, tổ chức kinh tế không có quyền sở hữu đối với nợ nhưng được chủ sở hữu hoặc các chủ sở hữu ủy quyền thông qua hợp đồng ủy quyền đòi nợ cũng được coi là chủ nợ và họ cũng được nhân danh chủ nợ hoặc các chủ nợ ký kết hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đòi nợ để thu hồi nợ.

Khái niệm này của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP đã loại bỏ các tổ chức khác là chủ nợ trong quan hệ nợ, đó là tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và ngay cả các tổ chức quốc tế cũng không phải là một bên trong quan hệ nợ thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định này. Khái niệm chủ nợ cũng được đề cập tại Thông tư số 33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính; theo đó : “chủ nợ là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nợ phải trả”.

KHÁI NIỆM CON NỢ

Khi xuất hiện một khoản nợ thì luôn tồn tại song song hai chủ thể với hai tư cách là: “chủ nợ” và “con nợ” hay nói cách khác, hai khái niệm này không thể tách rời trong một quan hệ vay nợ. Con nợ là người có hành vi làm phát sinh khoản nợ và có nghĩa vụ phải thanh toán lượng giá trị tài sản trong khoản nợ đó.

Tương tự như tư cách chủ nợ, tư cách con nợ cũng có thể được chuyển từ người này sang người khác thông qua hành vi chuyển giao nghĩa vụ của con nợ cho người thứ ba trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên. Cũng theo hướng như vậy, BLDS năm 2005 mặc dù không có định nghĩa về con nợ nhưng cũng có quy định về nghĩa vụ trả nợ của con nợ trong hợp đồng vay tài sản.

Tuy nhiên Nghị định số 104/2007/NĐ-CP lại đưa ra một tên gọi có phần khác so với Từ điển Tiếng Việt cũng như BLDS năm 2005, mặc dù xét về bản chất thì những khái niệm này đều đề cập về bên có nghĩa vụ trả nợ trong quan hệ nợ nần. Khoản 3 Điều 3 của Nghị định này quy định “khách nợ là tổ chức kinh tế, cá nhân có nghĩa vụ trả nợ”.

Nghị định số 104/2007/NĐ-CP chỉ đích danh khách nợ là tổ chức kinh tế hoặc cá nhân và những đối tượng đó có “nghĩa vụ trả nợ” trong một quan hệ nợ nần nhất định. Như vậy tương ứng với quyền đòi nợ của chủ nợ là nghĩa vụ trả nợ của khách nợ.

Mặc dù vậy, cách dùng từ “khách nợ” để chỉ bên có nghĩa vụ trả nợ ở đây chưa thực sự phản ánh hết bản chất của quan hệ nợ, quan hệ giữa người có quyền và người có nghĩa vụ trong quan hệ nợ. Theo từ ngữ đời thường, thì chữ “khách” là để chỉ đối tượng được “chủ” sẵn sàng và mong muốn đón tiếp, giao dịch.

Do vậy, người có nghĩa vụ trả nợ được gọi là con nợ. Trong quan hệ giao dịch, thì các bên vẫn là “khách hàng”, “bạn hàng”, nhưng trong quan hệ tranh chấp, đòi nợ đến mức phải nhờ cậy người khác đòi nợ mà gọi là “khách” của nhau thì không hợp lý.

Từ điển Tiếng Việt cũng chỉ ghi nhận từ “con nợ” chứ không ghi nhận chữ “khách” nào theo nghĩa đã được sử dụng trong Nghị định số 104/2007/NĐ-CP. Thông tư số 33/2010/TT-BTC của Bộ Tài chính cũng sử dụng “cụm từ khách nợ” của Nghị định số 104/2007/NĐCP khi đưa ra khái niệm “khách nợ là các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có nợ phải trả”.